Chủ động phòng chống cháy nổ từ văn hoá tâm linh ngày lễ tết

Thắp hương thờ cúng, hóa vàng mã vào dịp lễ tết dường như đã trở thành một nét văn hoá tâm linh trong tâm thức người Việt, kèm theo đó là số lượng khổng lồ vàng mã được đốt đi. Tuy nhiên, việc thắp hương, hóa vàng mã không đảm bảo an toàn PCCC sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về cháy nổ, đe doạ trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Để chủ động phòng ngừa những tình huống cháy nổ có thể xảy ra nhất là vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định an toàn về cháy nổ tại khu vực tâm linh như đền, chùa và các cửa hàng kinh doanh vàng mã trên địa bàn tỉnh.

Khi thời gian lùi về những ngày cuối năm, sau khoảng thời gian tất bật với những bộn bề của cuộc sống, người dân lại náo nức trở về các địa điểm văn hoá tâm linh như đền, chùa, miếu để tạ lễ cuối năm.
 

 Thắp hương thờ cúng tổ tiên - nét văn hoá tâm linh của người Việt
 
Nhằm đảm bảo cho người dân yên tâm vui Xuân, đón Tết, ngoài việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động lễ hội, việc đảm bảo an ninh trật tự tại các địa điểm đền, chùa, khu vực tâm linh, thì công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được lực lượng cảnh sát PCCC Công an Hà Tĩnh chú trọng đẩy mạnh. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC tại các cửa hàng kinh doanh hàng mã, các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, nơi thờ tự, tín ngưỡng, nơi tập trung đông người như đình, đền, chùa và các địa điểm tổ chức hoạt động chào mừng, hoạt động lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
 

Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra, nhắc nhở chấp hành quy định đốt vàng mã tại khu vực đền, chùa
 
Với văn hoá của người Việt thì đình, đền, chùa, trong dịp Tết Nguyên đán thường có lượng đông người dân tập trung về đây, chính vì vậy việc đốt vàng mã cũng như thắp hương với số lượng lớn tại các địa điểm này chính là những nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao.  Chia sẽ với chúng tôi ông Nguyễn Sỹ Quý - Phó ban quản lý Đền Củi, huyện Nghi Xuân cho biết: Để đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ xảy ra cháy, nổ ban quản lý tại đền tại đây đã bố trí khu vực đốt vàng mã riêng, thông thoáng; ban quản lý đền đều có ý thức tự giác trong phòng, chống cháy nổ như chủ động gom chân hương để đốt, nhắc nhở người dân đến làm lễ thắp hương, hoá vàng mã đúng vị trí quy định…
 

Kiểm tra các thiết bị chữa cháy tại chỗ tại các đền, chùa trên địa bàn
 
Tuy nhiên, tại các địa điểm diễn ra lễ hội, đặc biệt là các đình, đền, chùa vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ chưa được xử lý triệt để như số lượng bình chữa cháy không đủ để đảm bảo công tác chữa cháy khi có sự cố xảy ra; một số địa điểm không có phương án chữa cháy tại chỗ đảm bảo yêu cầu về an toàn phòng cháy…Vậy nên, để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ tại các đình, đền, chùa, các địa điểm diễn ra lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, lực lượng Cảnh sát PC&CC đã tăng cường các biện pháp nắm tình hình cơ sở, rà soát, để xác định các điểm thờ tự, tín ngưỡng, tập trung đông người; chủ động phối hợp với lực lượng công an cơ sở kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng, chống cháy, nổ đối với các địa điểm văn hoá tâm linh thờ cúng; kịp thời kiến nghị với Ban Quản lý các đình, đền, chùa, khu di tích đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, yêu cầu khắc phục những sơ hở, thiếu sót về an toàn PCCC; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội quy, quy định về PCCC, thao tác vận hành các trang thiết bị PCCC, đảm bảo khi cháy, nổ xảy ra có thể cứu chữa kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại; hướng dẫn ký cam kết không để xảy ra cháy, nổ với các tổ chức, cá nhân khi tổ chức lễ hội ở các nơi thờ tự, tín ngưỡng, tập trung đông người.
 

Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn thao tác sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ cho Ban quản lý chùa, đền
 
Việc thắp hương không chỉ diễn ra tại các địa điểm tâm linh như đền, chùa…mà theo tập tục người Việt, vào những ngày rằm, mùng một và nhất là dịp lễ Tết việc thờ cúng tổ tiên, thắp hương, đốt vàng mã trong gia đình trở thành một nét văn hoá không thể thiếu. Tuy nhiên, theo chia sẽ của đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thì những vụ cháy có thể xuất phát từ những nguyên nhân liên quan đến thắp hương thờ cúng như bố trí nơi thắp hương thờ cúng chật chội không đảm bảo khoảng cách PCCC, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương dẫn đến việc xảy ra sự cố; hệ thống các thiệt bị điện sử dụng trên bàn thờ không đảm bảo an toàn PCCC, dẫn đến dễ xảy ra chập điện, cháy nổ…chính vì vậy, cứ vào dịp Tết đến, xuân về nguy cơ cháy nổ từ việc thắp hương, đốt vàng mã trong nhà luôn là vấn đề đang báo động.
 

Kiểm tra, nhắc nhở việc thắp hương tại các hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh
 
Xuất phát từ văn hoá tâm linh thờ cúng thần phật, tổ tiên đi kèm với đó là tập tục thắp hương, đốt vàng mã vào các ngày lễ và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Chính vì thế, vào những ngày cuối năm, dọc theo các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh luôn có những cửa hàng bày bán tràn làn khối lượng lớn hàng hoá là đồ vàng mã, đa dạng về hình thức, màu sắc, mẫu mã…để phục vụ cho nhu cầu tăng cao của người dân. Tuy nhiên, với đặc thù của mặt hàng kinh doanh được làm chủ yếu từ nguyên liệu là giấy và tre khô, khi nhu cầu mua sắm ngày tết của người dân càng tăng cao thì lượng hàng hoá bày bán càng lớn, nên chỉ cần một chút bất cẩn thì việc bùng phát đám cháy là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
 

Lượng hàng mã bày bán dịp lễ Tết tràn lan
 
Nắm bắt được nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra tại các khu vực kinh doanh hàng hoá, nhất là vào dịp cận kề Tết, lực lượng cảnh sát PCCC Công an Hà Tĩnh đã tích cực làm tốt công tác kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền các quy định cho các hộ kinh doanh và hộ nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ.

Kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh vàng mã đảm bảo quy định về an toàn PCCC
 
Anh Mai Văn Cường, chủ cửa hàng kinh doanh vàng mã trên đường Phan Đình Giót, P Bắc Hà, TP Hà Tĩnh chia sẽ: Mặc dù kinh doanh về mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, nhưng do thường xuyên được lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, nhất là vào thời gian gần tết Nguyên đán, nên trong quá trình kinh doanh gia đình anh đã chú trọng làm tốt các quy định về PCCC.
Để tục lệ đốt vàng mã không còn trở thành nỗi lo canh cánh trong lòng chúng ta, để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mùa lễ Tết năm 2022, để người dân trên địa bàn đón một cái Tết an lành, hạnh phúc, ngoài sự chủ động nắm tình hình và tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, còn cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, sự chủ động thực hiện các quy định về PCCC của các ban quản lý di tích, đình, đền, chùa…mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức của mình, cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã. Hãy để những tục lệ tâm linh lâu đời của chúng ta thực sự trở thành một nét đẹp văn hoá của người việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về.